Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Nguyễn Quang Thạch: XÃ HỘI DÂN SỰ, TỪ GÓC NHÌN MÔ HÌNH TỦ SÁCH


Những kết cấu dân sự khả dụng:
Góc nhìn từ hoạt động xây dựng các mô hình tủ sách
Nguyễn Quang Thạch
           
Mục đích của bài viết này là chia sẻ những kết quả thực nghiệm từ việc tìm kiếm kết cấu dân sự khả dụng góp phần giải quyết thực trạng thiếu sách ở nông thôn cũng như những mô hình tủ sách trình diễn đã được dân sự hóa thành dân tự xây dựng, tự sở hữu và tự phục vụ.

Qua đây tôi cũng mong  rằng ngày càng nhiều cá nhân và nhóm hành động thúc đẩy xã hội dân sự theo  hướng CHẠY NGƯỢC DÒNG  bằng cách xây dựng mô hình thực nghiệm điển hình và hữu dụng. Các mô hình điển hình sẽ được dùng làm công cụ vận động chính để nhà nước áp dụng và nhân rộng trên quy mô lớn hơn CHỨ KHÔNG CHỜ ĐỢI NHÀ NƯỚC TẠO DÒNG CHẢY  mời các công dân và các nhà xã hội dân sự học lên thuyền tiến về đích xã hội dân sự theo chuẩn mực của các nước văn minh như Thụy Điển, Nhật Bản hay Mỹ.  Bởi lẽ, bất cứ sự tiến bộ xã hội nào đều phải trải qua một quá trình  hành động của công dân nhằm vận động chính quyền thực thi những quyền mà nhu cầu tự thân của người dân cho đến khi nó trở thành thứ hiển nhiên trong đời sống xã hội.

Tôi xin mạo muội định danh Xã hội dân sự theo góc nhìn hẹp như sau: xã hội dân sự là nơi mà nhu cầu tự thân của người dân được đáp ứng bởi chính họ với sự hỗ trợ và tôn trọng từ phía chính quyền. Chẳng hạn: người dân có quyền được tiếp cận tri thức và quyền tự xây dựng các tủ sách, các quyền này phải được thực thi bởi chính họ và  chính quyền.

Trên thực tế, bàn tay hữu hình của nhà nước chỉ là xương sống đáp ứng một phần nhu cầu thực tế của đời sống, phần phái sinh không thể tiên lượng (vô hình) lại biến chuyển liên tục, nhiều khi ngoài tầm kiềm soát của nhà nước lẫn cộng đồng. Vai trò dân sự sẽ tương hỗ chính cộng đồng của họ giải quyết các nan đề đang gặp phải trong khi thiếu vắng vai trò nhà nước. Chẳng hạn, trong trận lũ năm 2010, xóm 9 của xã Sơn Lễ, Hương Sơn, Hà Tĩnh bị ngập nặng 4 ngày liền nhưng không hề có cứu trợ của nhà nước, một nhóm cứu trợ do thông thuộc địa hình đã thuê thuyền nhỏ đến cứư đói cho 91 hộ dân.

Quay về trước cách mạng tháng 8, khoảng từ năm 1900-1945, người dân trong xóm tôi chủ yếu là các thành viên giàu có của họ Nguyễn Quang, Nguyễn Văn, Trần Văn đã góp của và nhà nghèo thì góp công để làm một con đường dài 2 km với chiều rộng 3 m, chiều cao so với cao độ tự nhiên là 2 m.  Ngoài ra có 2 cá nhân điển hình đã bỏ số tiền khá lớn để làm ra một ngôi trường có 2 phòng học cho dân có nơi học và một cây cầu bằng gỗ lim dài 20 m cho dân đi, một số người già ở xã tôi vẫn hay đọc câu “trường ông bát Hoàn, cầu bà Hàn Tấn”. Đình làng, nhà thánh, đền tế...đều do dân góp công và của làm nên. Qua những công trình hiện hữu, quỹ ruộng khuyến học của dòng họ, của làng....chúng ta khẳng định được rằng chế độ phong kiến cũng đã có không gian dân sự  hoặc kết cấu dân sự để dân sự hóa việc làng, việc nước. Chính quyền phong kiến đã khuyến khích kết cấu xã hội dân sự đóng góp vào việc chung bằng phong tặng các danh hiệu cho những ai có công trình đóng góp cho quê hương của họ.

Vai trò của người dân  trong việc tham gia cùng nhà nước giải quyết các vấn đề chung của xã hội hiện nay như thế nào?

Tôi xin đưa ra vài ví dụ điển hình như sau:

 (i) Năm 2009, lên xã Ngòi A,  Văn Yên, Yên Bái, tôi có đến thăm một cây cầu cạn, theo cán bộ của tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision)-một tổ chức phi chính phủ, thì tổng kinh phí khi hoàn công chỉ hết 120 triệu, rất rẻ so với cây cầu nhà nước làm bởi lẽ dự án chỉ góp tiền mua xi măng, thép và tiền công dành cho cán bộ kỹ thuật. Phần còn lại gồm cát, đá, đáp đất 2 đầu cầu là do dân tự nguyện tham gia đóng góp, thiết kế thì cán bộ huyện miễn phí. Đặc biệt, dân được tham gia giám sát toàn bộ quá trình thi công. Công trình vừa rẻ, vừa bền khi so với công trình nhà nước được xây dựng trên cùng con suối có quy mô tương tự nhưng gấp 3 lần kinh phí mà không qua được 1 trận lũ.

(ii) Chung tay với nhà nước giải quyết vấn nạn nghiện ma túy và nhiễm HIV, một số xứ đạo, nhà chùa đã giúp cho hàng trăm người nghiện và nhiễm HIV có việc làm. Một số trung tâm, viện...trực thuộc Liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng đã tham gia giải quyết một số vấn đề sinh kế, hỗ trợ tư pháp cho người dân di cư lên các đô thị...Qua những cứ liệu trên, vai trò xã hội dân sự đã và đang đóng góp giải quyết các nan đề mà xã hội đang đối mặt. Tuy nhiên, nan đề thì nhiều vô kể nhưng việc giải quyết nó bởi khu vực dân sự còn rất hạn chế. Vì sao vậy, nguyên nhân sâu xa là do năng lực, tinh thần và ý thức bổn phận công dân trong xã hội chúng ta còn quá yếu kém cho dù nhà nước đã tạo khoảng không gian khá rộng để thu hút sự tham gia của xã hội dân sự.

Thực tế cho thấy rằng, hiện tại chúng ta có hai nhóm kết cấu xã hội dân sự sau:

Nhóm I:  Gồm các hội đoàn như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội người cao tuổi, Hội liên hiệp khoa học kỹ thuật (VUSTA)....các hội này trừ VUSTA đều có chi hội xuống cấp thôn xóm. Qua làm công tác phòng chống buôn bán người từ năm 6/2008-7/2009, khi thực địa xuống các thôn xóm vùng dự án ở Yên Bái, Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Nam và Sài Gòn, tôi thấy rằng các chi hội này hoạt động rất lỏng lẻo, mang tính hình thức, năng lực của các chi hội trưởng rất yếu. Bởi thế khi thiết kế mô hình truyền thông phòng chống bán buôn bán người, tôi phải mời thành viên đứng đầu của các chi hội tham gia để tập huấn cho họ, nhờ đó độ phủ truyền thông được rộng và sâu hơn.

Nhóm I được một số người gọi là TỔ CHỨC LƯỠNG TÍNH vì vừa mang tính chính quyền vừa mang tính dân sự. Về mặt nhà nước, nhóm này có hệ thống từ Trung ương xuống cơ sở, qua hệ thống này, các chính sách được truyền dẫn khá tốt ngoại trừ những nơi quá quan liêu và vô trách nhiệm.

Về mặt dân sự, các thành viên của chi hội cấp cơ sở có thể độc lập làm các công việc của họ như lập nhóm sản xuất, lập phường hội tương hỗ vay vốn sản xuất, tuy nhiên quy mô và hiệu quả rất thấp. Thông thường, tính dân sự trong nhóm này thấp vì thói quen ỷ lại vào chính quyền đã ngấm vào máu của họ, bởi vậy nếu đứng với tư cách chính quyền lẫn dân sự để kêu gọi người dân đóng góp tiền làm đường thôn xóm hay xây dựng nhà văn hóa thôn lại không hiệu quả bằng các cá nhân hoặc nhóm thuần dân sự kêu gọi.

Nhóm II: Gồm các dòng họ, xứ đạo, khu vực nhà chùa và một số nhóm sở thích (interest group). Khu vực này thuần dân sự hoặc có thể gọi là cấu trúc dân sự tự nhiên (naturally civil society) bởi nó đã tồn tại rất lâu, các tổ chức này được tự do hoạt động nếu họ không có các biểu hiện chống chính quyền. Hàng chục ngàn dòng họ lập quỹ khuyến học, phòng chống bạo lực gia đình, tham gia bảo vệ an ninh thôn xóm... Một số xứ đạo và nhà chùa tham gia hỗ trợ phát triển sinh kế cho người nghiện, người nhiễm HIV, nuôi trẻ mồ côi...Hầu hết chính quyền đều ủng hộ các hoạt động của kết cấu này. Điển hình, xã An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình còn hỗ trợ 200.000 để khuyến khích các dòng họ đóng tủ sách dòng họ. Đặc biệt, Nhóm II rất dễ huy động nguồn lực để thực hiện các công việc khi họ cần cho chính họ hoặc tương hỗ chính quyền.

Qua 10 năm nghiên cứu và theo dõi các biến chuyển của kết cấu dân sự tự nhiên cũng như  thấy Nhóm I không thể đủ yếu tố tự thân giải quyết vấn đề thiếu sách ở nông thôn, tôi đã chọn nhóm II để bắt đầu mô hình tủ sách đầu tiên, Mô hình tủ sách dòng họ.

Tủ sách dòng họ là mô hình được thiết kế dựa vào kết cấu dân sự là dòng họ để xây dựng. Kỳ vọng khi thiết kế mô hình là nó sẽ được các dòng họ TỰ NHÂN RỘNG sau khi mô hình được trình diễn. Thực tế, đã có 100 dòng họ xây dựng tủ sách với một phần đối ứng là sách từ những người hảo tâm chia sẻ thông qua tổ chức thu nhận của chúng tôi.  Số dòng họ TỰ NHÂN RỘNG sau khi nhờ chúng tôi tư vấn thì không thể thống kê được. Điều này chứng tỏ rằng VAI TRÒ TỰ THÂN của các dòng họ trong việc xây dựng tủ sách đã mang đầy đủ tính dân sự và hành động dân sự như tự xây dựng, tự sở hữu, tự hoạt động vì mục đích nâng cao nhận thức cho chính thành viên dòng tộc và xóm làng qua các tủ sách.

Mô hình Tủ sách phụ huynh được xây dựng bởi vai trò của cha mẹ học sinh thông qua nhà trường và Hội phụ huynh. Cái tên TỦ SÁCH PHỤ HUYNH đã hiện hữu vai trò của cha mẹ học sinh tại các lớp học, họ có quyền góp tiền, có quyền chọn sách, có quyền giám sát nhà trường trong quá trình mua sách, không những con cái họ có quyền mượn sách mà họ cũng có thể mượn sách bất cứ lúc nào họ muốn. Họ là dân sự nhưng họ đã chung tay với chính quyền giải quyết vấn đề thiếu sách cho con họ, không những thế, sự đóng góp của họ đã kích thích chính quyền góp tiền với họ, kích thích những người xa quê góp tiền cho con cái họ. Điển hình, UBND xã An Quý đã góp 10.000.000 đồng để tủ sách phụ huynh được nhiều sách hơn, một doanh nhân xa quê của xã An Khê góp 39.000.000 đồng làm 13 tủ sách cho trường tiểu học của quê mình. Nhờ vai trò dân sự là PHỤ HUYNH mà chỉ sau 9 tháng, 500 tủ sách phụ huynh đã được xây dựng ở trên 40 trường học ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Mô hình Tủ sách giáo xứ được đồng khởi động với luật sư Lê Quốc Quân vào tháng 10/2011. Ngay sau khi xây dựng tủ sách đầu tiên, mô hình đã được chuyển giao cho người công giáo. Với sự tận tâm và chia sẻ tài sản cá nhân(30 triệu) của luật sư Quân cùng với sự đóng góp công sức và tiền bạc của các giáo hữu khác, 23 tủ sách giáo xứ được xây dựng chỉ trong vòng 9 tháng. Thời gian tới, khi được Giáo hội Công giáo đưa tủ sách vào chương trình khai trí của Giáo hội, hàng ngàn tủ sách giáo xứ, giáo họ sẽ được xây dựng, hàng triệu đầu sách sẽ đến với khoảng 6 triệu giáo dân nông thôn.

3 mô hình được áp dụng trên 3 kết cấu dân sự và huy động nguồn lực dân sự trực tiếp đã mang hàng chục ngàn đầu sách do nhà nước Việt Nam ấn hành tạo cơ hội đọc sách cho hàng trăm ngàn người dân nông thôn, và góp phần giúp nhà nước hiện thực hóa chính sách xã hội hóa thư viện.

Phần kết

Bất cứ xã hội nào đều tồn tại các kết cấu dân sự khả dụng để khu vực dân sự tự vận hành, phục vụ các quyền và nhu cầu tự thân của họ. Quyền được thờ Chúa, thờ Phật, thờ ông bà tổ tiên, quyền được xây dựng nơi thờ phụng, quyền được bê tông hóa đường thôn ngõ  xóm, quyền được xây dựng các tủ sách dòng họ, nhà chùa hay giáo xứ...

Nhà nước nên làm gì để khu vực dân sự tự tồn tại và phát triển nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách nhưng thực thi được chính sách của mình?

Thứ nhất: Nhà nước cần khuyến khích các kết cấu dân sự tham gia vào việc hiện thực hóa chính sách của mình, chẳng hạn, đưa tiêu chí Tủ sách vào Dòng họ khuyến học để các dòng họ xây dựng tủ sách khắp mọi nơi. Hàng triệu đầu sách do nhà nước ấn hành sẽ được dân tiếp cận, vừa mang lợi cho dân vừa tăng ảnh hưởng của nhà nước đến sự nghiệp khuyến học. Chẳng hạn, các dòng họ đã rất cảm kích khi UBND xã An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình ủng hộ 200.000 đồng cho mỗi dòng họ khi xây dựng tủ sách.

Thứ hai: Nhà nước giám sát các hoạt động của họ trên cơ sở luật pháp, chẳng hạn, việc các nhà thờ Thiên chúa hay nhà chùa xây dựng tủ sách giáo lý là đương nhiên. Thời gian qua, các  giáo xứ đang đẩy mạnh xây dựng các tủ sách để giúp các giáo dân tiếp cận tri thức đa chiều như những công dân Việt Nam khác, điều này rất tích cực. Tuy nhiên, cán bộ văn hóa xã cần hợp tác với các giáo xứ  để kiểm tra tính hợp pháp của các đầu sách.

Thứ 3: Nhà nước cần nâng cao năng lực cho các thành viên thuộc các tổ chức LƯỠNG TÍNH như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên...để họ có lực phục vụ chính cộng đồng của họ và tự kháng trước sự lôi kéo của các nhóm làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia như người Trung Quốc sang bên này biên giới Việt Nam lôi kéo thanh niên sang Trung Quốc lao động khổ sai rồi quịt tiền. Khi các hội viên ở cấp chi hội thôn xóm có kiến thức về minh bạch, về chống tham nhũng, về các tà giáo, về phòng chống buôn bán người....họ sẽ bảo vệ được chính họ, an ninh thôn xóm lẫn an ninh quốc gia sẽ được bảo đảm. Năng lực phục vụ song hành với minh bạch của các hội viên càng mạnh thì tính tự kháng càng cao,  khả năng bị lợi dụng để tự diễn biến chống chế độ càng thấp.

Thứ 4: Cần rà soát và giám sát chặt chẽ các tổ chức phi chính phủ trong nước nhằm chống những tiêu cực như tham nhũng, báo cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín nhà nước, thiếu trung thực với nhà tài trợ quốc tế. Có những trung tâm nhận hàng triệu USD của nước ngoài, đưa con cháu họ hàng và đồng hương vào làm việc, người dân hưởng lợi thì ít mà lãnh đạo trung tâm thì nhiều tiền và nhà đất.

Thứ 5: Mở rộng cơ hội cung cấp tư cách pháp nhân và có những ưu đãi về thuế cho các nhóm người tàn tật, nhiễm HIV, ma túy khi họ lập doanh nghiệp...để họ tự nuôi sống bản thân, qua đó giảm bớt gánh nặng cho xã hội và nhà nước. Làm được như vậy, nhà nước vừa thể hiện được trách nhiệm của mình vừa thúc đẩy sự tương hỗ của xã hội đối với nhóm này.

Thứ 6: Nhà nước cần học các tổ chức phi chính phủ quốc tế được cấp vốn bởi các tổ chức tôn giáo trong việc nâng cao năng lực cho các tín đồ mà họ thu nhận như Tin lành giáo cũng như cách họ bảo trợ cho hàng chục ngàn trẻ em thuộc các vùng nghèo để tạo ra mang lưới liên kết dân sự xuyên quốc gia trong dài hạn.

Chúng ta làm gì để thúc đẩy xã hội dân sự phát triển?

Trong bối cảnh chính trị hiện nay, chúng ta với bổn phận công dân của mình cần dân sự hóa một số phần việc của xã hội thay vì chờ đợi chính quyền. Chẳng hạn, lập các nhóm đi gom quần áo cũ cho người nghèo, lập thêm nhóm ‘bữa cơm có thịt” để giảm suy dưỡng cho trẻ em miền núi, lập các nhóm phổ biến kiến thức về phòng chống buôn bán người..... Càng nhiều nhóm hoạt động xã hội được thành lập thì càng nhiều người dân ở các vùng nghèo được hưởng lợi, xã hội dân sự được thúc đẩy rất tự nhiên. Mong rằng, các nhà nghiên cứu và hoạt động về xã hội dân sự bền bỉ vận động chính sách để nhà nước mở rộng cửa hơn nữa cho xã hội dân sự phát triển.

Tôi tin chắc rằng với nhiều nan đề trong xã hội hiện nay, nhà nước sẽ không thể một mình  giải quyết hết mà phải có sự chung tay của toàn xã hội.

Chúng ta hãy tin tưởng và chờ đợi nhưng điều tốt đẹp đang đến.

Bài viết là những kinh nghiệm rời rạc được chắp nối, bởi thế tôi rất mong nhận được chia sự của quý vị gần xa, tôi muốn học hỏi mọi người.

Thái Bình ngày 3/9/2012
Nguyễn Quang Thạch 
          


3 nhận xét :

  1. Từ trước đến nay tôi đã đọc rất nhiều bài viết của Nguyễn Quang Thạch. Xin cảm ơn những bài viết và tấm lòng với Đồng Bào của Anh.

    Trả lờiXóa
  2. Các ông viết dai dòng quá, có vẻ "ní nuận".
    Ở Việt Nam, xã hội dân sự có từ tám hoánh, không ai có thể biết từ thế kỉ nào, thậm chí thiên niên kỉ nào. Ví dụ:
    Ở Nghẹ An quê tôi, có "pường cấy", "phường gặt", "phường nhà", "phường vải'... từ đời nào đến gần đây, vẫn duy trì. Phường nhà, mỗi phường có từ 25 đén 30 nhà. Phường xét thấy trong năm "phường viên" nào cần lợp nhà thì các ""phường viên" khác góp mối người 25 gianh kết bằng lá mía, dủ lợp một ngôi nhà khoảng 10 năm chưa phải dọi. Mọi người tham gia rất tự giác, làm rất có trách nhiệm, tranh thường rất tốt. Các phường cấy, phường gặt, phường vải cũng vậy. Các phường này vẫn tồn tại cho đến nay. Ví dụ "Phường nhà", nay không góp tranh, thay bằng góp gạch, góp xi măng.
    Đản ta sau ngày cuớp chính quyền cũng bắt chứoc cha ông tổ chức Tổ đổi công trong sản xuất nông nghiệp và coi đó là sự "thực tập" cho nông dân trước khi vào Hợp tác xã nông nghiệp.
    Đó chính là những hình thức Xã Hội Dân Sự.

    Trả lờiXóa
  3. khaiozon co rat nhieu sach muon cho cac chau
    anh thach cho dia chi de khai gui toi

    .dien thoai cua khai la 0904183670

    cam on truoc

    Trả lờiXóa