Thứ Ba, 14 tháng 4, 2020

Hoài Yên: TA GẶP TÚ XƯƠNG TRONG "ĐƯỜNG THI QUỐC ÂM CỔ BẢN"

Tưởng nhớ Thi sĩ Hoài Yên (1935-2020), xin chia sẻ cùng quý vị bài Bạt
ông viết cho "Đường Thi quốc âm cổ bản" của chúng tôi:


Lời bạt 
Đường thi Quốc âm cổ bản

Ta gặp Tú Xương trong cổ bản này

Hoài Yên
.
Đường thi quốc âm cổ bản là một tài liệu quý cho những ai yêu thích, học tập và nghiên cứu Đường thi (kể cả nguyên tác chữ Hán và thơ dịch quốc âm).

Một điều đặc biệt thú vị là bản dịch lại là một bản cổ chưa từng được công bố, sau nhiều bản dịch khác sinh sau, đẻ muộn mà đã được nhiều thế hệ thưởng thức. Các dịch giả là những nhà nho thi nhân ở vào giai đoạn cuối của thời kỳ trung cận đại, vẫn chưa có ý định “vứt bút lông, cầm bút sắt”, mặc dầu lúc ấy chữ quốc ngữ đã được dùng khá phổ biến.

Một thú vị nữa, là ở tập sách này, chúng ta được gặp dịch giả Tú Xương.

Trước đây, mọi người mới chỉ biết Tú Xương là một nhà thơ trào phúng vào bậc nhất của Việt Nam. Tú Xương làm thơ trào phúng, châm biếm, viết đến đâu phổ biến đến đấy, không hề ghi chép lưu lại dù chỉ để trong ngăn kéo. Số thơ được công bố hiện nay là do hậu sinh sưu tập và in ấn. Cho đến bây giờ, cũng chưa thấy ai nói tới một bài thơ nào của Tú Xương viết bằng chữ Hán hoặc thơ dịch.

Vậy mà trong thi phẩm này, Tú Xương có tới 81 bài dịch, nhiều nhất trong tất cả (theo thống kê của các soạn giả), mà lại rất độc đáo là Tú Xương chỉ chọn dịch duy nhất một thể thơ ngũ ngôn bát cú ở nguyên bản chữ Hán. Trong số những bài dịch đó, chỉ có 11 bài dịch nguyên thể ngũ ngôn bát cú, còn 70 bài khác dịch theo thể thất ngôn bát cú. Chẳng những thế, về chất lượng thơ dịch của Tú Xương còn đứng đầu trong thi phẩm này.

Đọc các bài thơ dịch, chúng ta càng kính phục sự đa tài của Tú Xương. Xưa nay, mọi người vẫn chỉ phục ông về thơ trào phúng, thậm chí, ông còn có ảnh hưởng lớn đến các thế hệ sau (nhiều nhà thơ đã theo bước ông, đặt những bút danh để tỏ rõ mình là người học trò của ông như: Tú Mỡ, Tú Sụn…). Ở mảng thơ trữ tình, ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam dùng 2 từ “anh – em” trong thơ tình yêu đôi lứa, mà phải hơn hai mươi năm sau khi ông mất, phong trào “Thơ mới” mới tiếp bước ông và dùng rộng rãi trong thơ tình.

Giọng điệu thơ dịch của Tú Xương rất lưu loát trong trẻo, có nhiều sáng tạo. Mặc dù thơ dịch phải trung thành với nguyên bản, nhưng khi đọc những bài dịch của Tú Xương ta có một cảm giác như những bài thơ được chính ông sáng tác, bằng những ngôn từ rất dễ hiểu của Việt Nam. Xin trích vài dòng ví dụ:

Nguyên bản:

“Kim cổ nhất tương tiếp
Trường ca hoài cựu du”


Đây là hai câu kết trong bài Tạ Công Đình của Lý Bạch có nghĩa là: Xưa nay vẫn tiếp nối / Ngâm nga mãi để nhớ chuyến thăm lần trước – soạn giả dịch nghĩa. Tú Xương dịch thơ như sau:

Gẫm lại trải bao lòng luống tưởng
Thơ nào tả được nỗi xưa sau.


hoặc, nguyên bản:

Tùy phong tiềm nhập dạ,
Nhuận vật tế vô thanh.

Là hai câu thực trong bài Xuân dạ hỷ vũ của Đỗ Phủ nghĩa là: Theo gió hây hẩy thấm vào đêm / Tưới mát muôn vật mà không nghe tiếng – soạn giả dịch nghĩa. Tú Xương dịch thơ như sau:

Đưa nhẹ một cơn bừng giấc thắm
Rây ra từng sợi thấm cành khô.


Tả mưa mùa xuân mà dùng chữ “Rây” thì quả là rất đắt! Dịch rất thoát mà vẫn sát ý. Từ ngữ thông thường dễ hiểu và rất Việt Nam!

Cách dịch từ thơ ngũ ngôn sang thơ thất ngôn cũng là một sự sáng tạo của Tú Xương. Bài thơ có thêm tới 16 từ để ông biểu đạt theo ý muốn, vẫn giữ được ý chính của tác giả mà lại thêm được những nét của riêng mình. Ta hãy đọc bài Cầm Đài của Đỗ Phủ:

Mậu Lăng đa bệnh hậu,
Thượng ái Trác Văn Quân.
Tửu tứ nhân gian thế,
Cầm đài nhật mộ vân.
Dã hoa lưu bảo yếm,
Phương thảo kiến la quần.
Quy Phụng cầu Hoàng ý,
Liêu liêu bất phục văn.
                    Đỗ Phủ

Tú Xương dịch như sau :

Văn Quân dan díu mấy Tương Như
Cái bệnh phong lưu mãi thế ư
Mấy cuộc đong đưa men phú quý
Năm cung dìu dặt nổi mây mưa
Hoa in vẻ miệng khi tươi lợt
Cỏ nhuốm màu xiêm lúc sớm trưa
Tài sắc xưa nay ai kẻ lọt
Cầu hoàng mảng tiếng đến bây giờ.


Hai câu đầu, ông bỏ cái địa danh Mậu Lăng và nói thẳng đến cuộc dan díu của 2 nhân vật Văn Quân và Tương Như. Trong nguyên bản là tả cái bệnh thật của Tương Như (đa bệnh hậu), ông đã đổi là bệnh yêu đương (bệnh phong lưu). Thật khó mà bắt bẻ được, bởi vì Tương Như chẳng đã mắc bệnh trong những ngày dan díu với Văn Quân đó sao? Hai câu thực, tác giả chỉ cốt tả cái cảnh “Rượu sớm đàn chiều”, nhưng ông dịch thoát hẳn mà vẫn nói được cảnh thực yêu đương “sớm đào tối mận” của đôi trai gái:

Mấy cuộc đong đưa men phú quý
Năm cung dìu dặt nổi mây mưa

Về từ ngữ, trừ mấy danh từ riêng (Văn Quân – Tương Như – Cầu hoàng) vẫn giữ nguyên từ Hán, còn lại là từ thuần Việt 100%. Đặc biệt có những từ dân dã cổ mà nay ta rất ít dùng như: “Mấy” (ở câu I). “Mấy” ở đây không phải là từ chỉ số lượng mà nó đồng nghĩa với từ “với” hoặc “cùng”, mà ngày nay chúng dùng theo đúng nghĩa của nó. Hoặc từ “mảng” ở câu 8 cũng là những từ dân dã cổ, nhưng ông dùng vào câu thơ dịch, cho đến nay, chúng ta đọc vẫn rất sáng nghĩa.

Lại đọc một bài nữa của Lý Bạch:

Tầm Ung tôn sư ẩn cư

Quần tiễu bích ma thiên,
Tiêu dao bất kỷ niên.
Bát vân tầm cổ đạo,
Ỷ thạch thính lưu tuyền.
Hoa noãn thanh ngưu ngọa,
Tùng cao bạch hạc miên.
Ngữ lai giang sắc mộ,
Độc tự há hàn yên.

Lý Bạch

Dịch:

Chon von ngọn núi bóng trời sầm,
Ngày tháng tiêu dao sá kể năm.
Vén dọn rèm mây tìm lối cũ,
Lặng ngồi cỗi bách tiếng khe rầm.
Nghìn tầm hạc trắng cây tùng ngủ,
Chiếc bóng trâu xanh gối nhụy nằm..
Cười nói trông ra trời đã tối,
Một mình trở lại khói sương đầm.


Bài này Tú Xương dịch rất sát nghĩa. Nhưng câu chữ thông thoáng, lưu loát như một bài thơ sáng tác. Riêng 2 câu luận (5&6), ông đã dịch đảo câu trên xuống dưới, câu dưới lên trên. Một cách ứng biến thật thông minh. Trong nguyên bản, tác giả tựa vào khối đá để nghe tiếng suối reo. Ở bài dịch, ông đã cho tác giả tựa vào gốc cây bách. Những tiểu tiết đó khiến người đọc có cảm giác đi trên con đường cổ, đá cây rậm rạp càng được nâng lên.

Vài bài làm ví dụ. Nếu đọc kỹ ta sẽ thấy mỗi bài được ông giải quyết một cách khéo léo, tài hoa, vẫn bám sát ý của nguyên bản mà lại không phụ thuộc quá vào những câu từ của tác giả. Dù dịch của tác giả nào, ta cũng thấy thơ dịch của ông đều có cùng một giọng thơ giống nhau. Đó chính là phong cách thơ dịch của Tú Xương vậy! Cũng như đại thi hào Nguyễn Du, tuy dựa vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Hoa, hầu như vẫn giữ nguyên cốt truyện, nhưng về văn chương đã được Việt Nam hóa hoàn toàn và nâng lên đến độ tuyệt hảo.

Hà Đông, ngày 01 tháng 12 năm 2016.
Hoài Yên

 
GS. TS Trần Đình Sử: Một quyển sách quý. Đây là cuốn sách đầu tiên sưu tập, giới thiệu các bản dịch thơ Đường bằng chữ Nôm, chứng tỏ người xưa đã lưu ý dịch thơ Hán sang tiếng Việt, và chúng ta đã có một lịch sử dịch thơ Đường có thể bắt đầu từ thời Lê Thánh Tông. Sách in rất đẹp, chữ rất nét, có cả chữ Hán lẫn Nôm, màu trang nhã, xem rất thích mắt. Xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện đã tặng sách.
.
 

1 nhận xét :

  1. Những người không hấp thụ nền văn hóa dân tộc, không biết văn hóa dân tộc là gì, thậm chí công kích, tiêu hủy cả một kho tàng thi ca đồ sộ của cha ông, những người đó không thể là người yêu nước! Bởi vì họ không thể tiếp nối ý chí, tư tưởng, tình cảm của cha ông, vậy thì làm sao họ giữ nước và dựng nước? Cứ suốt ngày ra rả yêu nước, yêu nước, yêu nước, nhưng làm gì để yêu nước thì không biết, thậm chí là không muốn biết thì yêu nước cái chỗ nào? Chì là xảo ngôn mà thôi!

    Trả lờiXóa