Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

LẠI MỘT CUỐN SÁCH SẼ GÂY BÃO DƯ LUẬN VỪA XUẤT BẢN



Nhà Triệu - Mấy vấn đề lịch sử

Nguyễn Khắc Mai

NHÀ TRIỆU - MẤY VẤN ĐỀ LỊCH SỬ. Đó là công trình của nhóm tác giả là những nhà nghiên cứu khoa học chuyên ngành, đã đồng thuận một nhận thức: NHÀ TRIỆU CÓ VAI TRÒ ĐẶC BIỆT TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM.

Từ khi Triệu Đà xưng đế chống lại nhà Tần, lập quốc với danh xưng Nam Việt, phân rã bờ cõi một vùng từ “nam Ngũ Lĩnh…đến Cửu Chân, Hoan Ái”, là sự mở đầu cho một thực thể mới, Việt tộc lập quốc, xưng đế, để rồi, các triều đại phong kiến Việt đời nối đời, họ nối họ “hùng cứ một phương”sánh cùng các thế lực phong kiến phương Bắc.


Cảm hứng lịch sử lớn lao mà Triệu Đà để lại, như một tài sản tinh thần vô giá, một giá trị minh triết muôn đời, con cháu từ đó về sau không thể quên, không thể dửng dưng, không thể coi Triệu Đà như một bóng dáng lịch sử xa xôi, dường như chẳng có gì liên quan đến hôm nay. Đó là:

1. Tổ chức một Nhà Nước, một Quốc gia của Việt tộc, có quốc thống mới. Với “Quốc danh Nam Việt” (lời Hồ Chí Minh), chỉ riêng điều đó, vị “Man di đại lão phu” như lời tự xưng của Triệu Đà trong thư gửi Hán Văn đế, đã khẳng định sự tiếp nối chính danh, chính thống, từ các vua Hùng (vua Lạc), từ Văn Lang, nghĩa là đất nước của những con người có văn hiến. (Văn, là văn hiến, Lang là con người - chàng trai, chứ không phải chỉ là những con người vẽ (xăm) - văn thân). Trả lại cho dân tộc một danh xưng, rồi để trở thành lịch sử, trở thành “Văn hiến chi bang”, là công lao của Triệu Đà. Rồi đó mãi mãi về sau, danh xưng Nam Việt (南越) với cách viết chữ Việt (越) có bộ tẩu (走), nghĩa là vươn lên, siêu việt lên thành Đại Cồ Việt, có nghĩa là một nước Việt vĩ đại, vừa Đại = to lớn vừa Cồ = lớn lao, một mong ước vượt gộp, để có thể sánh vai với Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Đừng chê người xưa thích dùng chữ “đao to búa lớn, mộng mơ hão huyền”. Hãy chú ý nhiều vào tiêu điểm tâm thức, như một bản năng sinh tồn của dân tộc, phải nhanh chóng “siêu việt” vượt lên chính mình, vượt lên thời gian chạy đua với thời gian, thách thức với một sự thật lịch sử trớ trêu: Sự bành trướng bá quyền Đại Hán đã và đang tiếp nối từ ngàn xưa! Nếu hiểu tâm thức lịch sử được mã hóa trong truyền thuyết Thánh Gióng,phải lớn gấp, chúng ta sẽ cảm nhận được cái tâm thức của dân tộc mong ước kép, vừa Đại vừa Cồ.

Kể từ Triệu Đà,với danh xưng Nam Việt, để rồi là Đại Việt, Việt Nam, lúc nào cũng là Đất nước của người Việt, của Việt tộc, nối tiếp truyền thống Bách Việt từ xa xưa, khác với Trung Quốc xưa, nước chỉ là của một họ - Hán, Đường, Tống, …

2. Lập một triều đình, một nhà nước, mà bờ cõi, dẫu về sau đã bị đánh cướp, đánh cắp, vẫn còn từ châu Lạng đến Thanh Nghệ. Tạo ra một thựcthể quốc gia, mô phỏng cái hình thức nhà nước phong kiến tập quyền thời đó, chia quận, huyện để cai trị, một xu thế mới để cố kết dân tộc dần thành quốc gia, để lại cho con cháu một vùng lãnh thổ, mà Hán Văn đế phải thừa nhận trong lá thư dụ dỗ Triệu Đà, “cõi đất từ Ngũ Lĩnh về nam, vương cứ việc trị lấy”. Để rồi, hơn trăm năm sau Trưng vương đã khởi binh chiếm lại 65 thành, cho “Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”. Rồi tiếp theo, Lý Nam đế lập nhà nước Vạn Xuân. Rồi Đại Cồ Việt, Đại Việt, cho đến Việt Nam.

3.Tạo lập một minh triết giữ nước, giữ lấy độc lập, chủ quyền cho muôn đời, Triệu Đà đã xưng là Triệu Vũ Đế. Dẫu khi nhà Hán sai Lục Giả rồi nhiều tướng lĩnh khác sang dụ dỗ, o ép, thực hiện cả mưu lược “tiền lễ hậu binh”, buộc bỏ đế hiệu, nhưng trước sau Triệu Đà vẫn giữ thế “Nội đế, ngoại vương” (bên trong vẫn xưng đế, đối ngoại, xưng vương), để rồi từ đó đã trở thành một triết lý đối ngoại của các triều đại nước ta.

Đế là ngôi vị quốc chủ của một nhà nước độc lập, tự lập, tự cường. Tinh thần “Đế” là tinh thần độc lập. Cho nên đời Lý “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”, mới gọi là tuyên ngôn Độc lập của nhà nước Đại Việt, để rồi mấy trăm năm sau Nguyễn Trãi lại bố cáo: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước / Cùng Hán Đường, Tống, Nguyên các đế nhất phương”. “Các đế nhất phương” nghĩa là ai làm chủ nước nấy. Sau nhà Triệu, các đời của vua Việt từ Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, kể cả Hồ, Mạc, cho đến Tây Sơn, đến Nguyễn đều nối đời giữ ngôi đế ở nước ta. 
.
Ảnh: Nhóm tác giả khảo sát điểm thờ Triệu Đà ở đình làng Xuân Quan,
huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đầu năm 2017.
.
Cho nên đời Trần đã có sắc phong cho ngài hiệu là: “Khai Thiên Thể Đạo Thánh Triết Hoàng Đế”. Vị Hoàng đế vừa thánh, vừa triết (có công) mở nước, đem đạo ra “thể hiện”, thực hành . Công khai thiên - mở nước, cố nhiên là rất to. Nhưng “thể đạo”- thể hiện (lập) đạo, người xưa coi là lập đức - để lại cái đức lâu dài cho con người, xã hội và đất nước. Vậy cái đạo này là gì ? Các vua Trần thật sự sâu sắc khi chọn chữ phong cho ngài như vậy - Một người, mở ra cho dân tộc, cho đất nước một minh triết làm nền cho trật tự, kỷ cương và đạo đức xã hội, mà cốt lõi của cái đạo ấy, chính là tinh thần độc lập tự cường của dân tộc. Đây là một giá trị vĩnh hằng của nhân loại, khiến cho ngày nay, dẫu có ở vào đầu thế kỷ XXI, với xu hướng toàn cầu hóa, người ta vẫn phải trở về với tinh thần quốc gia dân tộc với phần nào khuynh hướng dân túy.

Trong nhiều đền thờ ngài ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, như tại Xuân Quan, huyện Văn Giang, Hưng Yên, hay đền Đồng Sâm, huyện Kiến Xương, Thái Bình vẫn lưu truyền những bức hoành phi tôn xưng ngài là Nam Thiên thủy đế, hay Nam Bang thủy đế, nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên của nước Nam.

Ngôi đế của cõi đất trời Nam Việt mở đầu từ đức vua Triệu Đà là một minh triết của ý thức độc lập, tự cường của con dân đất Việt. Thật ra trong huyền sử Việt tộc đã từng có những vị đế, như Đế Cốc, Đế Du Võng, Đế Minh, Đế Lai, Đế Nghi… Họ đều dùng danh xưng đặc biệt là theo ngữ pháp Việt tộc! Không nói ngược như “tiếng Tàu.”

4. Các dấu tích từ thư tịch cổ, nhất là từ khảo cổ học, chứng minh rất rõ về trình độ văn hóa và văn minh của triều đình và cư dân nước Nam Việt cổ, là khá cao. Họ đã dùng văn tự chữ vuông, sản xuất và dùng nhiều đồ đồng, đồ sắt. Những di vật tìm thấy trong ngôi mộ Triệu Văn Đế ở Quảng Châu, chứng tỏ:

a/ Rất nhiều văn vật của văn hóa Đông Sơn, như là một minh chứng cho “bản lai diện mục” của Việt tộc.

b/ Sự giao thương rộng mở vì đã thấy có những vật phẩm từ Trung cận đông.

c/Trình độ chế tác ngọc, đồng thau…đều rất tinh xảo. Nếu không có sự giàu có trong dân, triều đình và nhà vua dẫu xa xỉ, cũng không thể có những phẩm vật sang trọng tinh xảo như vậy.

5. Nhà Triệu, đặc biệt là Triệu Đà đã được ghi nhận trong chính sử Việt Nam, nhất là các triều đại của thời kỳ độc lập từ nhà Đinh về sau. Các sử gia chính thống đã có những bình luận trong chính sử, ghi nhận hai công đức lớn của Triệu Đà, lập công thì mở nước, lập đức thì thể hiện đạo lý lớn của dân tộc, phải độc lập, tự lực, tự cường.

Trong dân gian, tâm lý ấy càng trở nên sâu thẳm, người dân Việt đời đời nhớ ơn ngài, ở khắp vùng Bắc Bộ, nhiều nơi có đền thờ ngài, thân mẫu ngài và cả vị phu nhân họ Trịnh. Thừa tướng Lữ Gia, một công thần trung nghĩa của dân tộc và họ Triệu cũng được thờ ở nhiều nơi trong địa bàn cư trú của người Việt.

Rõ ràng đã có một sự đồng tâm nhất trí giữa triều đình và dân chúng trong nhận thức, đánh giá về nhà Triệu, đặc biệt là với vua Triệu Đà.

Tuy nhiên, vào thế kỷ XVIII, Ngô Thì Sĩ, trong cái nhìn cho rằng biên giới của quốc gia Đại Việt là từ châu Lạng trở về Nam, ở đó có Loa Thành của An Dương Vương, có đền Cuông thờ vua Thục Phán nơi châu Hoan (nay thuộc tỉnh Nghệ An), có truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thủy, có thể cùng với tâm thức Tống Nho đã định hình thành khuôn mẫu tư duy, hễ ai dùng mưu trí trá cướp ngôi người khác đều là tà ngụy, ông không thể chấp nhận được cái nước Nam Việt, dù là của Việt Tộc (mà có thể ông không bao giờ nghĩ tới), lại ở ngoài tầm xa lắc xa lơ là của mình. Ông đặt lại vấn đề Triệu Đà với rất nhiều lý lẽ, thực sự là rất khiên cưỡng, nhất là lúc đó ông chi suy đoán mà chưa có nhiều sách vở tư liệu, những xác minh từ khảo cổ học đặc biệt là thuyết sự hình thành chủng tộc từ AND như ngày nay.

Vào cuối thế kỷ XX, với những người áp dụng phương pháp luận duy vật máy móc, lại gặp khi chưa có những chứng cứ xác thực từ khảo cổ học, từ những lý thuyết mới về nhân học, đặc biệt từ những nghiên cứu đầy đủ hơn về Bách Việt, Lạc Việt, về bề dầy của cơ tầng văn hóa rất phong phú, đa dạng và phẩm chất của văn hóa và văn minh Tộc Việt, nhà sử học Đào Duy Anh và một số đệ tử của ông đã gạt nhà Triệu ra khỏi lịch sử dựng nước của người Việt. Khiên cưỡng và thô bạo đến mức người được giao trách nhiệm soạn sách giáo khoa, làm tuyển tập thơ văn, làm toàn tập tác gia dám liều lĩnh sửa lại Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (1380 - 1442); thậm chí đục bỏ cả câu lục bát của Hồ Chí Minh ca ngợi Nhà Triêụ. Và điều ấy khiến người ta không thể không liên tưởng đến một trào lưu tư tưởng tả khuynh, cực đoan đã từng lưu hành ở Liên Xô, ở Trung Hoa… được gọi là “prolekult”(văn hóa vô sản), từng chi phối và để lại nhiều di họa không chỉ trong sử học.

Có một câu hỏi rất tế nhị cần đặt ra là tại sao triều đình và dân gian, từ nhà Đinh nhất là đời Trần rất đề cao Triệu Đà. Triều đình thì không coi cái người đẻ ra từ một nơi trên “Bắc quốc” là dị tộc, còn trong dân thì nhất quyết “bản địa hóa” vua Triệu Đà với một giòng họ, một tuổi thơ, một gia đình có cội nguồn gốc gác, theo thế thứ của Vua Hùng. Một phong cách riêng – rất riêng, đậm nét phong cách Việt, thuần Việt, lại nói ra một cách kiêu hãnh, tự hào, của Triệu Đà với vua Hán và sứ thần nhà Hán càng làm cho Ông mãi mãi là Con Người bản địa đất Nam Việt. Vì thế, thái độ hành xử, chính sách giáo dục của triều đình và dân gian từ nghìn xưa luôn khẳng định vị trí anh linh của Triệu Đà, chấp nhận ngài, tôn vinh ngài, luôn luôn tâm niệm ngài chính là vị vua khởi thủy của người Việt, là “thủy đế” nước Nam Việt, là một thực thể hiện hữu bằng xương máu của Việt tộc. Điều quan trọng hơn hết là điều đó liên tục tạo ra sức mạnh tinh thần đoàn kết dân tộc, sự khẳng định bản lĩnh Bách Việt, Nam Việt, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam trong giòng lịch sử. Đừng biến mình thành kẻ “trứng khôn hơn vịt”, đã không hiểu ý tứ sâu xa của tiền nhân, lại cố ý trở thành kẻ vong ân bộinghĩa!

6. Triều đình nhà Triệu - sau Triệu Đà, rõ ràng là đã chia thành hai phe. Phe thân Hán với Cù Hậu, Ai Vương - những người từng được nuôi dưỡng ở triều đình Hán, có cả một tên sứ thần nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý, vốn là người tình cũ của Cù Hậu cùng là đồng bọn. Phe chống “nội thuộc”, phản đối việc sáp nhập Nam Việt vào nhà Hán - đứng đầu là Lữ Gia, một vị thừa tướng trung nghĩa, được nhân dân kính cẩn tôn vinh là vị thần ái quốc của Nam Việt.

Nhà Hán cho An Quốc và bọn Chung Quân, Ngụy Thần làm sứ giả, vừa để dụ dỗ Cù Hậu, vừa bày mưu tính kế, chia rẽ triều đình, đồng thời làm tai mắt cho quân của Lộ Bác Đức đang áp sát biên giới. Lữ Gia chẳng còn cách nào khác bèn tập họp binh tướng chống lại. Nhưng thế nước đã suy yếu, triều đình lại chia rẽ…Nhà nước Nam Việt mất, để lại bài học đắt giá cho muôn đời về tổ chức triều đình thế nào, xây dụng nội lực thế nào cho luôn đủ sức mạnh tự vệ trong mối quan hệ với “Bắc quốc”.

7. Như vậy, chúng tôi dã cố gắng nắm bắt những ý chính, những lập luận, kiến giải, và trên hết là những tình cảm thiêng liêng của các tác giả dành cho linh vị cao quý đối với vua Triệu Vũ Đế, làm nên sưu tập chuyên đề Nhà Triệu – Mấy vấn đề lịch sử.

Từ hai nguồn thư tịch cổ Việt Nam, Trung Hoa, từ những kết quả nghiên cứu khảo cổ học, từ truyền thuyết dân gian, từ những nghiên cứu của nhiều tác giả phương Tây, các tác giả đã đem đến cho chúng ta một nguồn ánh sáng, soi rọi vào một thời kỳ lịch sử vừa trầm hùng, vừa bi tráng.

Chúng tôi cho rằng nghiên cứu một thời kỳ lịch sử, một nhân vật lịch sử, không được quên (hơn nữa có trường hợp còn xem nhẹ và kỳ thị) văn hóa dân gian. Vì thế chúng tôi cũng giới thiệu trong sách này một số bài viết từ truyền thuyết dân gian của một vùng có cái tên rất đặc biệt, vùng Sốm, kẻ Sốm hay Sấm để rồi mang cái tên rất chữ nghĩa vùng Cổ Lôi, Thanh Oai, Hà Đông cũ. Những bài biên khảo thần tích, lẽ hội, kết hợp giới thiệu những ngôi đền thờ: Triệu Đà, phu nhân, thân mẫu và tướng Lữ Gia. Những đền miếu ấy trải rộng trên khắp một vùng rộng lớn của trung châu Bắc bộ, từ Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, chứng tỏ trong tâm thức của cộng đồng cư dân Việt từ ngàn đời, vẫn hằng ghi nhớ cái dấu ấn về một thời kỳ lịch sử, những anh hùng của dân tộc thời mở đầu nhà nước sơ khai Nam Việt, đã in sâu trong tâm trí mọi thế hệ người Việt. Nếu bỏ quên những sự tích, truyền thuyết về Triệu Đà và nhà Triệu, đồng nghĩa là chúng ta đánh mất hồn cốt sâu sắc nhất của sử ý, sử tình, làm sao hiểu, cảm nhận lịch sử .

Toàn bộ nội dung Nhà Triệu – Mấy vấn đề lịch sử, nhằm bàn luận trước một số vấn đề, tháo gỡ những khúc mắc đã tồn tại từ lâu, dẫn đến những cách nhận định khác nhau đã xảy ra. Hơn nữa, việc nghiên cứu kỹ hơn vai trò của Triệu Đà và kỷ nhà Triệu, không chỉ để trả lại sự công bằng lịch sử, mà còn là hành động thiết thực, cụ thể tôn vinh anh linh các bậc anh hùng tiền bối của cả dân tộc, để con cháu đời đời nhớ ơn và thờ phụng.

Hy vọng rằng sự quan tâm của các nhà khoa học trong những ngành nghiên cứu cổ học, Việt Nam học, của con cháu họ Triệu, và tất cả những ai quan tâm đến những vấn đề nguồn cội và sử học nước nhà, sẽ tiếp tục mở rộng hướng nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn và đặc biệt là chỉ bảo cho chúng tôi những khiếm khuyết .

Chúng tôi đánh giá cao và cảm ơn các tác giả, cảm ơn nhà xuất bản Hội Nhà Văn, đã hợp tác và dầy công biên tập để cuốn sách được phát hành. Nhưng xin cảm ơn bội phần độc giả đang đọc quyển sách này.

19 nhận xét :

  1. Ở Miền Nam trươc 75 nhà nứớc có đặt tên đường Triệu Đà , có trại lính Triệu Đà .Có tên đường Nguyễn Huệ, tên đường Gia Long .
    Ở MB thì có bài thơ của Tố Hữu :
    Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
    Trái tim lầm chỗ để trên đầu
    Nỏ thần vô ý trao tay giặc
    Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu...
    Hì hì giờ thì phải làm sao đây nhỉ ???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đường Triệu Đà hiện nay vẫn còn ở khu vực quận 5, Chợ Lớn!

      Xóa
  2. Nhưng ai đã dựng nên giai đoạn lịch sử Triệu Đà là người xâm lược nước ta của An Dương Vương?

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô Đại Cáo đã viết:
    Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập.
    Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
    Chính cha ông ta xưa đã ghi nhận điều đó.

    Trả lờiXóa
  4. Ở thời xa xôi đó, tham vọng và ý thức "xưng đế một phương" của Triệu Đà quan trọng hơn là nguồn gốc chủng tộc, cho dù giả thuyết về nguồn gốc chủng tộc của ông có là gì chăng nữa. Tương truyền Triệu Đà từng dõng dạc nói với Lục Giả, sứ thần của Lưu Bang qua dụ hàng: "Nếu ta sinh ra ở phương Bắc thì sự nghiệp của ta đâu có thua gì Hán Đế!". Nghe phảng phất khí độ của Nguyễn Huệ sau này!Thiết nghĩ chừng đó là quá đủ để thừa nhận và tôn vinh sự chính thống của nhà Triệu trong lịch sử nước ta. Việc này còn có ý nghĩa lớn trong bối cảnh đề kháng lại bọn bá quyền TC hiện nay. Hoan nghênh các tác giả!!!

    Trả lờiXóa
  5. Chắc chắn,cụ Nguyễn Trãi phải có một căn cứ nào đó đáng tin cậy,đáng tôn vinh mới đưa nhà Triệu vào áng "thiên cổ hùng văn" của mình.
    Nhưng,với mấy cái đầu của bọn chóp bu,cụ Nguyễn đã...lú.
    Hồi còn ngồi dưới mái trường xhcn,tôi cũng khá bán tín,bán nghi về chuyện này.Khi thoát khỏi cái mái trường kia,tham khảo một số tư liệu độc lập,đáng tin cậy,tôi cho rằng,kẻ lú lẫn chính là bọn...chóp bu.

    Trả lờiXóa
  6. Theo Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt sử ký toàn thư và An Nam chí lược, Mị Châu là con gái duy nhất của An Dương Vương. Thục Phán, là người nước Thục, vào cuối đời Hùng Vương trở nên lớn mạnh, về sau ông dẫn binh lính xâm nhập Văn Lang, đánh bại Hùng Vương và lập nên Âu Lạc.

    Năm 210 TCN, Triệu Đà là quan của nhà Tần, nhận chức Úy ở quận Nam Hải mang quân sang Âu Lạc nhưng bị An Dương Vương đánh bại. Triệu Đà biết không đánh nổi bèn dùng kế cầu hoà, An Dương Vương đồng ý. Nhân cơ hội đó, Triệu Đà cầu hôn Mị Châu cho con trai mình là Trọng Thủy và kết thông gia với An Dương Vương, vì thương con nên An Dương Vương đã đồng ý.

    Trọng Thuỷ sang ở rể tại Âu Lạc và đồng thời tìm hiểu các bị mật quân sự của Âu Lạc mà cụ thể là Nỏ thần, có tên Linh Quang Kim Trảo Thần Nỏ (灵光金龟神机弩). Trọng Thủy dỗ Mị Châu để xem trộm nỏ thần, rồi ngầm bẻ gãy lẫy nỏ, thay cái khác vào, giả vờ về Bắc thăm cha mẹ. Trước khi đi, Trọng Thủy bảo Mị Châu rằng: "Ân tình vợ chồng không thể quên nhau, nếu lỡ hai nước không hòa, Nam Bắc cách biệt, ta lại tới đây thì làm thế nào mà tìm thấy nhau?".(Wikypedia}
    Như bài viết tên rõ ràng là xuyên tạc lịch sử.
    Như vậy chứng tỏ Việt Nam có xuất xứ từ Trung quốc. Do một quan của Tàu sáng lập nên..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HNĐ.
      Vậy chú biết ông tổ Kinh Dương Vương là con ai không ? Và xuất thân từ đâu ? Là con của Đế Minh cháu vua Thần Nông bên Tàu , ông này có con là Đế Nghi vua phương Bắc và con nhỏ Lộc Tục chính là Kinh Dương Vương vua phương Nam .Nếu nói về dòng dõi thì ở Đâu ?
      Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân ,và Lạc Long Quân sinh ra các Vua Hùng .
      Khi triều đại vua Hùng suy yếu thì Thục Phán , An Dương Vương , xăm chiếm đất Văn Lang thành lập Âu Lạc.Ông này cũng có nguồn gốc nước bên Tầu đấy thôi .Nếu bảo xuyên tạc thì chú kéo luôn mấy ông Tầu kia xuống dùm cái .
      Mấy ông theo con đường đạp đổ tất cả chừa mình ông ra chả cần nhận thức khách quan,nhìn méo mó kéo theo thế hệ sau chỉ hăng máu .
      Xem thằng Mỹ kìa G. Washington, người Anh Quốc chính hiệu, trong thời kỳ cận đại mà nó có buồn phiền hay bài bác ông khi ông là Quốc Phụ nước Mỹ ?
      Gần hơn là Lý Quang Diệu gốc Tầu đó ,người hình thành nên Singapore có ai nói gì ông không ?
      Thời xa xưa ,cư dân các tộc sống xen kẻ lấy nhau và tranh giành mạnh được yếu thua .Ai thắng làm vua ,thua thì chạy rớt quần .Quan trọng là người làm Vua ấy có vì cộng đồng họ cai trị không ,có ý thức độc lập không?
      Dĩ nhiên là ý thức độc lập đầu tiên là vì quyền cai trị của riêng dòng họ ,nhưng nếu không phục vụ cho cư dân ấy thì dân chúng có ủng hộ để giữ độc lập với nước Tàu lúc bấy giờ không ?
      Chỉ có những kẻ thiện cận mới đem Triệu Đà,Nhà Mạc , các chúa Nguyễn ra chửi .
      Giờ là lúc trả lại tên cho em nhé.
      Dân MN trước 1975 đều tôn trọng những người xưa ,vì họ được học cái lịch sử kháchq quan .Chả có đứa học trò nào dám hổn láo ,chửi ông Triệu Đà , ông Mạc Đăng Dung , hoặc vua chúa nhà Nguyễn .
      Còn giới trí thức ,thầy cô ,nhà nghiên cứu lúc đó thích hay không thích ,phê phán hay tôn vinh với các nhân vật lịch sử đều dùng từ đàng hoàng ,cẩn trọng ,nêu lên những hạn chế hay tích cực .Nhưng tất cả đều tôn trọng các nhân vật lịch sử ,chứ không có ai dám nói thằng này ,con kia , tên nọ v.v.v.

      Xóa
  7. Đọc bài viết trên có thể hiểu nôm na là:
    Triệu đà là người gốc Tàu, làm rể Việt Nam, rồi nhờ sự giúp đỗ của vua tàu đem quân tiêu diệt vua cha An Dương Vương(bố vợ) lập nên nhà nước riêng,ông Triệu Đà cũng phản bội luôn vua Tàu, không chấp nhận trở về làm quan cho vua Tàu.
    Vì vậy mà văn hóa và chữ viết của nước Việt mang nặng bản sắc Tàu. Cho tới khi Pháp cai trị Việt Nam mới thay đổi về chữ viết và văn hóa mang màu sắc phương Tây.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn sai rồi, con Triệu Đà là Trọng Thủy mới lấy Mỵ Châu.

      Xóa
    2. Kiến thục lịch sử giản đơn mà bác dám nói TĐ làm rể Việt Nam thì em cũng phục bác lắm . Từ thông gia sang tới thời bác hạ cấp xuống thành con rễ ADV hay nhỉ
      Giả sử là TĐ làm rể Việt Nam rồi không thần phục vua Tầu , tách ra thành nước khác mà là tiền thân Việt Nam ngày nay thì sao ?

      Xóa
  8. Tôi tán thành . Nếu người đó có công với Việt Nam, thì dù là người Hán cũng xứng đáng để ta tôn thờ .

    Trả lờiXóa
  9. Tôi có thắc mắc như sau: tác giả giới thiệu về “NHÀ Triệu - Mấy vấn đề lịch sử” nhưng cuốn sách in ra lại có tên là “HỌ Triệu - Mấy vấn đề lịch sử”. Vì chưa được đọc cuốn sách này nên tôi thấy lạ, không hiểu cuốn sách nói về HỌ Triệu như là dòng họ (phả hệ) hay là nói về NHÀ Triệu như một vương triều? Hay có vấn đề “tế nhị” nào đó khi xuất bản sách? Có ai giải thích giùm tôi không?

    Trả lờiXóa
  10. Triệu Đà là người Việt gốc tầu! Triệu Đà nhận Việt Nam làm quê hương, ông đã sống, đã chiến đấu bảo vệ lãnh thổ Việt Nam thì ông xứng đáng là công dân danh dự của xứ sở này! Lịch sử nước Mỹ cũng tương tự như vậy thôi! Tổng thống đầu tiên, cha già dân tộc của Hoa Kỳ là George Washington có nguồn gốc từ vùng Sulgrave, Anh Quốc nhưng ông đã từng đánh thắng quân đội nước Anh trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ với chức vụ Tổng tư lệnh Lục quân Lục địa Mỹ từ 1775 đến 1783. (nguồn wikipedia).

    Trả lờiXóa
  11. Tổ quốc phải là nơi mà ta sống được. Triệu Đà không sống được ở bên tầu thì chạy qua sống ở Việt Nam và hòa vào nhịp sống của người Việt, Triệu Đà đã chiến đấu bảo vệ giang sơn, giống nòi người Việt. Vì ai cũng vậy, có sống được thì mới có gia đình, quê hương, đồng bào, tổ quốc.
    Vì vậy, đây là tổ quốc của ta thì ta phải giành lại quyền sống, quyền được làm người, không thể chấp nhận một phần trăm dân số, thậm chí chỉ một vài trăm ngàn tên vô lại ăn trên đầu trên cổ chín mươi triệu người và cai trị chúng ta bằng cây gậy sắt!

    Trả lờiXóa
  12. Biết ơn Triệu Đà, (Một kẻ xâm lược) đã khai phá văn minh cho Bách Việt.
    Thế thì bây giờ Việt Nam có thể mời cựu Tổng thống Mỹ OPAMA về làm Tổng thống nước Cộng hòa XHCN Việt Nam để ngài đưa Việt Nam phát triển như nước Mỹ có phải tốt đẹp cho cả đôi bên không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải sử ta từng dạy rằng Triệu Đà mang quân xâm lược "nước ta" à? Bây giờ đổi lại là sao, thời đồng thau lẫn lộn ...

      Xóa
  13. Chép Sử là việc làm cần sự chính trực và dũng cảm, dù có bị Cung Hình(Thiến Dái) vẫn cứ chép đúng như Tư Mã Thiên ấy. Viết Sử là việc khó, dễ nhầm lẫn và cũng có thể hư cấu thì trở thành dạng viết văn. Ví dụ như: Vào năm ấy... có cái Tầu của nước Lạ đâm trực tiếp làm hỏng Tầu cá của ngư dân Việt Nam hoặc tầu lạ cắt cáp...thì không gọi là Sử được. Việt nam ta cũng rất mong có bộ sử được tiếp nối liên tục và phải là chính xác chứ không thể tùy theo chế độ cai trị mà viết cho thuận văn, đọc nghe bùi tai.

    Trả lờiXóa
  14. Triệu Đà là vua nước Nam Việt . Nước Nam Việt này không phải này không phải của dòng giống Việt thì là dòng giống Hán sao ? Ngày nay TQ vẫn công nhận Lưỡng Quảng là Khu Tự Trị của Dân Tộc Choang . Dân tộc Choang gốc Bách Việt chứ không phải Bách Hán ! Vua Quang Trung đã có ý định đòi Lưỡng Quảng là nước Nam Việt của Triệu Đà, yêu cầu Càn Long trả cho Đại Việt !

    Trả lờiXóa